Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Những ngôi sao trên mặt đất

Mùa thu Busan thường không quá lạnh vào ban ngày, thời tiết với nắng nhẹ và gió hiu hiu rất dễ khiến lòng người hưng phấn. Đây cũng là khoảng thời gian diễn ra LHP Quốc Tế Busan hàng năm.

 Năm nay, với vai trò là học viên của AFA ( Asian Film Academy), tôi được dịp chứng kiến tận mắt bầu không khí đầy sức sống của LHP. Tuy thế, lịch làm việc kín mít không cho phép những học viên có thời gian rãnh rỗi la cà LHP, nhiều khi tiếc đứt ruột vì bộ phim mình mong đợi từ lâu đang chiếu ngay rạp bên kia đường, còn mình thì lại ‘mắc kẹt’ trong phòng họp.

 Mặc dù không có trong lịch trình từ trước, nhưng khi nghe đạo diễn Krzysztof Zanussi- chủ nhiệm của AFA 2011- sẽ ghé thăm và có vài lời với lớp, tôi cảm thấy vô cùng hứng thú. Một phần vì ông mang họ cùng với người đạo diễn tôi vốn yếu thích: Krzysztof Kieslowski; một phần vì, ngoài cái tên ra, tôi chỉ biết rằng ông là người Ba Lan, những điều còn lại về ông, tôi hoàn toàn mù tịt. Và không phải người ta luôn tò mò về điều mà mình không biết đó sao? Cánh cửa mở ra. Krzysztof Zanussi bước vào. Đó là một ông già to con khỏe mạnh, đôi mắt sáng quắc, bên ngoài khoác một cái áo vest nhung đen đơn giản nhưng rất hơp mốt. Ông bước nhanh đến giữa khán phòng, chào hỏi lớp và bắt đầu câu chuyện của mình. Ông nói một mạch gần tiếng đồng hồ nhưng người nghe cảm thấy chỉ như vừa tròn chục phút. Trong bài nói của ông, tôi nhặt ra được một vài chi tiết nhỏ nhưng lay động vô cùng.

Một trong số đó là mẩu truyện về Immanuel Kant, bậc triết nhân sống ở nước Phổ hơn 200 năm trước. Qua lời kể của Zanussi, Kant hiện lên là một con người trầm tính, thích cuộc sống tĩnh lặng và có sở thích là dạo bộ trên những con đường đất nhỏ ở Konigberg thành phố quê hương ông. Có lần Kant ngước nhìn bầu trời đêm, ngắm những vì sao và rơi lệ. Trong giây phút ấy, phải chăng Kant nhận ra được sự cô độc vô cùng của con người trước vũ trụ vô tận, sự hữu hạn của kiếp người khi so với sự trường tồn bất biến của thiên nhiên, và Kant viết:

 “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi”.*

 Thực ra, cảm xúc ấy của Kant, nảy sinh khi nhìn bầu trời đêm đầy sao, không hề dễ đồng cảm. Và người ta có thể nói rằng đó là thứ cảm xúc trên trời và người mang cảm xúc ấy là kẻ sống trên mây. Nhưng Kant đã khóc, những giọt nước mắt chảy ra từ một tâm hồn thổn thức. Qua mẩu truyện này, Zanussi muốn gửi gắm đến những nhà làm phim trẻ đang mê mẩn ngồi nghe ông nói một điều: những người làm nghệ thuật cần biết giữ phẩm giá cho chính mình bằng cách không coi rẻ cảm xúc của bản thân, muốn thế trước tiên phải nhận ra trong muôn vàn mối tơ vò hàng ngày đâu mới là chân cảm xúc của chính mình. Nghe được những lời này, ngẫm lại thấy từ trước đến này sao mình sống cứ hời hợt thế nào; tệ hơn, đôi khi thứ cảm xúc thôi thúc mình làm phim lại được vay mượn từ đâu đó. Chợt thấy mình chưa hiểu gì về mình.

 Trước khi rời đi, Zanussi nhắn những học viên nếu có dịp đến Ba Lan nhớ ghé thăm ông, cùng uống trà nóng và tán dóc. Cuộc gặp với ông chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ nhưng dư vị để lại sao ngậm ngùi. Thời gian trôi nhanh và 18 ngày của khóa học cũng kết thúc, quay đầu nhìn lại thấy cái quý giá nhất ở đây, bên cạnh có thêm những người bạn đồng tâm trên khắp Châu Á, đó còn là những cuộc gặp gỡ với những nhà làm phim tài năng-những con người lớn thực sự. Họ không hề dạy cho những người làm phim trẻ điều gì cả ngoại trừ để lại trong lòng những con người trẻ tuổi một nỗi lay động và thôi thúc muốn học hỏi.

 Từ ô cửa sổ máy bay trên chuyến trở về nhà, thành phố đêm hiện lên như một bức tranh với những chấm bi là vô số những ngọn, những dải đèn vàng. Càng lên cao, những chấm bi ấy càng nhỏ dần cho đến khi chúng bé lại như những ngôi sao và mặt đất bỗng dưng biến thành bầu trời. Một bầu trời trên đất và một bầu trời trên kia, thấy mình như đang trôi ngang giữa hai bầu trời. Từ đâu đó trong khoang máy bay,văng vẳng một bài ca Huế mà tôi không biết tên. Ngó nhìn ra bầu trời thêm lần nữa thì thấy những vì sao đã biến mất, ở đó còn lại chỉ một màn đen đậm dần. Bài ca Huế vẫn tiếp tục và đột nhiên tôi tự hỏi mình đang ở đâu đây?. 

Krzysztof Zanussi là một trong những đạo diễn lớn đương đại của điện ảnh Ba Lan. Bộ phim “ A Year of the quiet sun” của ông đoạt giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice năm 1984

 Asian Film Academy ( AFA) là một khóa học thường niên được tổ chức song song với LHP Quốc Tế Busan. Khóa học quy tụ những người làm phim trẻ trên khắp Châu Á. Khi tham dự khóa học, những học viên có cơ hội gặp gỡ học hỏi với những nhà làm phim danh tiếng trên thế giới. AFA 2012 diễn ra từ ngày 26/9-14/10/2012, chủ nhiệm của khóa học năm nay là đạo diễn Trung Quốc Jia Zhangke, người từng đoạt giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice 2006 với ‘Still Life’. Những người làm phim quan tâm đến khóa học có thể tham khảo thêm thông tin từ trang web: afa.biff.kr

*Phê Phán Lý Tính Thực Hành, Immanuel Kant, Bùi Văn Nam Sơn dịch.